Nhằm nâng cao kiến thức về khoa học và công nghệ cho nông dân để phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Trong đó chủ yếu giúp người nông dân tiếp cận với khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế, Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre) đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện Bình Đại, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp và xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình.
Thạc sĩ Võ Minh Khoa - Trung tâm Khoa học và Công nghệ báo cáo tại lớp tập huấn. |
Đại biểu được Thạc sĩ Võ Minh Khoa - Chuyên viên Trung tâm Khoa học và Công nghệ thông tin về các nội dung như: Vai trò của chất hữu cơ trong đất và các biện pháp để duy trì và nâng cao chất hữu cơ trong đất; phương pháp ủ phân bằng chế phẩm Compost Maker, đồng thời hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt, cách sử dụng chế phẩm sinh học, quy trình ủ phân hữu cơ và cách sử dụng phân hữu cơ.
Quang cảnh lớp tập huấn tại xã Long Hòa huyện Bình Đại. |
|
Trung tâm tặng sản phẩm cho người dân sử dụng thử. |
Trong phân hữu cơ thường có các vi khuẩn, vi nấm, trứng các loại ký sinh trùng gây bệnh cho người, gia súc, cho cây và thường có mùi khó chịu, do đó trước khi bón cho cây trồng ta cần phải ủ phân hữu cơ để đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ, nhiệt độ đống ủ và các vi sinh có lợi sẽ tiêu diệt hầu hết các mầm bệnh, phân mất mùi khó chịu, nâng chất lượng phân bón, ngoài ra còn tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp có sẵn, rẻ tiền. Các bước ủ phân hữu cơ được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Vị trí ủ
- Chọn vị trí cao ráo, không bị ngập nước vào mùa mưa, cách xa khu dân cư.
- Chọn vi trí ủ thuận tiện cho việc rải cơ chất hữu cơ.
- Bề mặt nên được ủ càng cứng càng tốt, nếu không phải sử dụng cuốc xẻng nêm thật chặt.
Bước 2: Tạo dịch vi sinh vật
Cho rỉ đường, đạm Urê, Kali Clorua theo thứ tự vào nước sạch, hoà tan hết lượng rỉ đường, đạm Urê và Kali Clorua. Sau đó cho chế phẩm vi sinh vật Compost maker vào, khuấy đều.
Lưu ý: Lượng nước tùy thuộc vào độ ẩm nguyên liệu, thường sử dụng 40-50 lít nước. Làm dịch vi sinh 2-3 ngày trước khi ủ phân.
Bước 3: Phối trộn nguyên liệu và dịch VSV
- Cho một lớp phụ phẩm nông nghiệp lót nền hầm ủ 10-15 cm.
- Phân chuồng được trải thành lớp có độ dày 15-20 cm.
- Rắc đều một lượng vôi, supe lân, sau đó tưới nước sạch để chỉnh ẩm (ẩm độ 50-55%).
- Tưới đều dịch vi sinh vật (được tạo ở bước 2) lên bề mặt nguyên liệu.
- Tiếp tục làm như trên cho đến hết khối lượng nguyên liệu nhưng lớp phụ phẩm nông nghiệp ở bước này thì mỏng hơn (5-10 cm).
- Độ ẩm của nguyên liệu sau khi trộn đạt 50-55% (dùng tay bóp nhẹ nắm nguyên liệu, thấy có ít nước rỉ qua kẽ tay). Nếu nguyên liệu khô cần bổ sung thêm nước. Nếu nguyên liệu quá ẩm cần bổ sung nguyên liệu khô.
Bước 4: Ủ
- Quy cách tối thiểu hầm ủ: 1,0 - 1,2 m, rộng khoảng 2,0 m và chiều dài thích hợp, khi cho phân đầy hầm ủ thì sử dụng lượng dịch vi sinh vật còn lại ở bước 2 tưới đều lên bề mặt đống ủy.
Sau đó sử dụng ni lông hoặc bạt che kín bề mặt đống ủ.
Lưu ý: Không nén chặt đống ủ.
Bước 5: Bật quạt thổi khí
Tiến hành thổi khó, cấp oxy cho đống ủ sau 5 ngày ủ, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 30-45 phút. Khi đống ủ lên nhiệt cao thì có thể bật quạt sớm hơn.
Thời gian ủ tùy thuộc vào loại nguyên liệu hữu cơ (than bùn: 30 ngày, rơm rạ: 25-30 ngày, thân lá ngô: 35-40 ngày, phân lợn: 25 ngày, phân gà: 30-35 ngày, bã thải sắn: 50-60 ngày, v.v...).
Lưu ý:
- Không nén chặt đống ủ.
- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và ẩm độ, có thể bổ sung thêm nước nếu bề mặt đống ủ khô.
- Kiểm tra độ hoai mục đống ủ.
- Sau khi kết thúc quá trình ủ, sản phẩm được đóng bao sử dụng, hoặc tiếp tục ủ thêm với vi sinh vật chức năng hoặc trichoderma.
Với các nội dung thiết thực, lớp tập huấn đã giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi, cách ủ phân hữu cơ bằng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, bảo vệ môi trường…